Ổ đĩa thể rắn SSD và những điều cần biết
Vài năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của SSD, giá SSD cũng giảm và hiện tại giá đã gần ngang với ổ HDD. Vậy Ổ SSD là gì? Lợi ích mà SSD mang lại có xứng với cái giá khá cao của chúng? Bạn có thể sử dụng SSD như HDD?
Ổ đĩa thể rắn SSD và những điều cần biết
Ổ cứng thể rắn (Solid State Drives – SSD) là giải pháp lưu trữ tốc độ cao trên máy tính, nhưng liệu chúng có phù hợp với bạn? Hãy cùng tìm hiểu.
Ổ đĩa thể rắn là gì?
SSD ở chừng mực nào đó giống RAM và USB
Có thể hơi khó tin, SSD không phải là một công nghệ mới, SSD đã xuất hiện dưới nhiều hình thái khác từ lâu. Đầu tiên là RAM và các giải pháp lưu trữ giá “cực đắt” vốn chỉ xuất hiện trên các dòng máy tính “rất” cao cấp và siêu máy tính.
Từ những năm 1990, bộ nhớ SSD ở dạng Flash xuất hiện, chúng vẫn có giá rất cao so với thị trường máy tính nhưng đã bắt đầu xuất hiện “bên ngoài” các siêu máy tính. Trong suốt những năm 2000, bộ nhớ SSD liên tục giảm giá và đến cuối thập kỉ này, SSD đã đủ “rẻ” để đến với thị trường máy tính thông thường.
Đi lòng vòng một lúc lâu, chính xác thì SSD là gì? Hãy nói về HDD. Ổ HDD có cấu tạo rất đơn giản gồm nhiều tấm kim loại (phiến đĩa) được bao phủ bởi sắt từ xoay quanh một trục cố định. Bề mặt đĩa từ tiếp xúc với đầu đọc (là thanh kim loại dạng tam giác hoặc mũi tên bạn thấy khi mổ xẻ các HDD) hay chính xác hơn là đỉnh của vật thể tam giác này. Dữ liệu được lưu trữ bằng cách thay đổi các bit (0 và 1) từ tính trên các mặt đĩa.
Khi bạn cần đọc/ghi dữ liệu trên HDD, đầu đọc sẽ tìm vị trí dữ liệu được đánh dấu trước (hệ điều hành quản lý các vị trí đánh dấu). Nghe có vẻ phức tạp nhưng bạn sẽ dễ hình dung nếu tưởng tượng chúng trên “phiên bản lớn” là các đĩa than trên máy nghe nhạc ngày xưa, chỉ khác là trên đĩa than bạn phải tự mình di chuyển đầu đọc để chọn bài.
SSD ngược lại không có các thành phần “có khả năng” di chuyển. Dù kích thước khác biệt và dung lượng lưu trữ “chưa được lớn lắm”, SSD có nhiều điểm chung với bộ nhớ flash (hay được gọi là USB).
Đặc điểm chính của SSD là chúng không cần điện để duy trì khả năng lưu trữ dữ liệu (RAM dùng cùng cấu trúc nhưng không có khả năng duy trì dữ liệu khi không có điện). Dạng công nghệ này gọi là bộ nhớ NAND, có khả năng nâng cao tốc độ xử lý hơn so với đĩa từ truyền thống vì không cần thời gian để phiến đĩa quay và tìm vị trí dữ liệu.
So sánh SSD và ổ đĩa cứng truyền thống.
SSD có ưu và khuyết điểm riêng so với HDD
Có cái nhìn đúng về SSD và sẽ càng tốt hơn khi thử so sánh chúng với phương pháp lưu trữ trên đĩa cứng truyền thống. Hãy thử vài phép so sánh.
Thời gian khởi động (quay): SSD không cần khoảng thời gian này, đơn giải vì chúng không có bộ phận chuyển động. HDD có khoảng thời gian này, thường là vài giây. Khi bạn mở máy tính, âm thanh dạng như tiếng gió “click-whirrrrrrrrrrr” chính là khoảnh khắc HDD bắt đầu khởi động.
Thời gian truy cập dữ liệu và độ trễ: SSD hoạt động cực nhanh, thời gian để SSD tìm ra vị trí dữ liệu được lưu trữ nhanh hơn từ 80 tới 100 lần HDD do không cần đợi phiến đĩa quay và đầu đọc đến đúng vị trí như HDD. Khi mua HDD hay máy tính có HDD nói chung, bạn thường thấy thông số “RPM” (Rounds Per Minute – số vòng quay mỗi phút), đây chính là tốc độ quay của phiến đĩa trên HDD. Con số này càng cao, tốc độ truy cập dữ liệu của HDD nhanh.
Tiếng ồn: SSD hoạt động không gây tiếng động do không có thành phần chuyển động. Dĩ nhiên là HDD tạo ra tiếng động khi hoạt động, “đa dạng” từ cực kì êm ái đến có thể nghe được rõ ràng.
Độ tin cậy: Khuyết điểm lớn của HDD là sẽ sai sót khi xảy ra lỗi cơ khí, sau nhiều ngàn giờ hoạt động, các phiến đĩa có khả năng hư hỏng. Về số lần đọc/ghi dữ liệu, HDD là kẻ chiến thắng, bạn có thể đọc/ghi dữ liệu không giới hạn miễn là từ tính trên các phiến đĩa của HDD vẫn còn).
Về mặt vật lí, ổ SSD đáng tin cậy hơn, một lần nữa vì chúng không có “chỗ” nào di chuyển nên không thể có lỗi về mặt cơ khí. Bù lại số lần ghi dữ liệu vào SSD bị giới hạn. Số lần ghi dữ liệu sẽ quyết định tuổi thọ của SSD nhưng bạn không nên lo lắng, chúng sẽ không nhanh chóng hư hỏng với tần suất sử dụng bình thường.
Lấy ví dụ ổ đĩa Intel X25-M, ổ SSD 20 GB này cho thời gian ghi dữ liệu 5 năm mà vẫn… chưa hư. Nhiều ý kiến đề xuất chỉ nên sử dụng ổ SSD để cài đặt hệ điều hành và các phần mềm quan trọng, vậy bạn xóa và cài lại hệ điều hành hay các phần mềm này bao nhiêu lần trong 5 năm?
Ngoài ra, khi hết số lần ghi dữ liệu quy định, các module NAND sẽ chuyển sang chế độ “chỉ đọc” (read only) chứ không hư hỏng hoàn toàn như nhiều người nghĩ. Khi này ổ SSD sẽ tự động đưa dữ liệu từ các phần này sang vị trí khác. Đúng vậy, vấn đề “tuổi tác” phần nào ảnh hưởng đến SSD nhưng không quá “nặng” như bạn tưởng, hoặc nghe nói.
Bạn vẫn có thể sử dụng thêm một thời gian ngắn đến khi toàn bộ các module NAND đạt giới hạn ghi dữ liệu hoàn toàn. Thậm chí đến lúc đó, bạn vẫn có thể sao lưu lại dữ liệu và chuyển sang ổ đĩa mới. Nhưng không nên quá chủ quan, lời khuyên là dù dùng HDD hay SSD, hãy thường xuyên sao lưu dữ liệu.
Tiêu hao năng lượng: SSD dùng ít điện hơn HDD từ 30 đến 60%. Tiết kiệm 6 đến 10 watt điện có thể không nhiều, nhưng trên quy mô lớn với nhiều máy tính hoạt động trong thời gian dài, “tích tiểu thành đại”.
Chi phí: SSD không rẻ, đó là chúng đã giảm giá rất nhiều trong 10 đến 20 năm qua. Bạn có thể lên các trang chuyên mua bán linh kiện máy tính và tự mình so sánh. So sánh nhanh, 1 ổ SSD 60 GB hiện tại có giá khoảng 1,5 triệu đồng, có phần cao hơn 1 ổ HDD dung lượng… 1 TB chỉ khoảng 1,3 triệu.
Cách sử dụng ổ SSD
Dùng đúng cách, SSD sẽ bền hơn; đồ đạc khác của bạn cũng vậy
Với người dùng cuối, chắc chắn bạn sẽ thấy SSD nhanh hơn rất nhiều so với HDD. Hệ điều hành khởi động nhanh hơn, phần mềm khởi chạy nhanh hơn, khác biệt càng rõ ràng với những phần mềm dung lượng lớn. Nhưng có những lưu ý quan trọng sau đây.
Đừng dùng tính năng chống phân mảnh (defragment): Chống phân mảnh không có tác dụng với ổ SSD mà ngược lại còn giảm vòng đời của chúng. Chống phân mảnh là kĩ thuật đưa các phần dữ liệu nằm tách biệt trên các phiến đĩa đến gần nhau nhằm giảm thời gian tìm kiếm cho đầu đọc trên HDD.
SSD không có phiến đĩa, thời gian định vị dữ liệu gần như không có độ trễ, do đó không cần phải chống phân mảnh cho SSD. Như đã nói, chống phân mảnh liên quan rất nhiều đến thao tác đọc/ghi dữ liệu (để di chuyển chúng) và sẽ làm giảm tuổi thọ của SSD. Tính năng tự động chống phân mảnh từ thời Windows 7 tự vô hiệu hóa trên ổ SSD nên dùng nghe lời “ai đó” mà bật nó lên.
Tắt dịch vụ lập chỉ mục (Indexing Services): Đây là tính năng lập chỉ mục nhằm tăng tốc tìm kiếm dữ liệu trên hệ điều hành, nếu bạn có ổ SSD, hãy tắt nó đi. Thời gian đọc dữ liệu trên SSD là rất nhanh nên không cần lập chỉ mục. Trên thực tế thao tác này lại tốn thời gian hơn, khiến hoạt động của SSD chậm lại.
Hệ điều hành nên hỗ trợ TRIM: Các tập lệnh TRIM cho phép hệ điều hành giao tiếp với SSD, cho biết ô nhớ nào trên đĩa không cần sử dụng nữa và có thể bị xóa hoàn toàn. Không có TRIM, hiệu suất hoạt động của SSD giảm đáng kể. Đừng vội lo lắng, từ Windows 7, Mac OS X 10.6.6 và Ubuntu 10.04 trở lên đều đã hỗ trợ TRIM.
Một số biện pháp nâng cao như chỉnh sửa Registry trên Windows XP cũng sẽ giúp hỗ trợ một phần cho SSD. Tuy nhiên ổ SSD nên được dùng với các hệ điều hành mới để tối đa hóa hiệu suất.
Để trống một phần: Nhiều nhà sản xuất khuyến cáo nên để trống 10 đến 20% tổng dung lượng đĩa. Như đã nói ở trên, đây là nơi sẽ chứa tạm thời các dữ liệu từ module NAND đã hết hạn dùng trong khi bạn tìm mua ổ mới. Không chỉ vậy, khoảng trống này cũng giúp dữ liệu di chuyển tốt hơn giữa các module nhớ, tăng hiệu suất và tuổi thọ của SSD.
Hãy liên tưởng đến những lô cốt bạn gặp hàng ngày trên đường. Chúng chiếm dụng một phần mặt đường, làm phần còn lại phải chịu tải nhiều phương tiện hơn. Kết quả là phần đường cạnh các lô cốt cũng nhanh chóng xuống cấp.
Lưu trữ các dữ liệu giải trí ở nơi khác: Đến khi giá SSD giảm xuống thấp hơn nữa, nếu không hãy đầu tư một ổ HDD dung lượng lớn giá “bèo” làm nơi lưu các dữ liệu không quan trọng. Phim, ảnh, trò chơi hay các phần mềm không quan trọng nên được cài vào HDD thay cho SSD.
Đầu tư thêm vào RAM: So với giá SSD, giá RAM rất rẻ. Máy càng nhiều RAM, càng ít phải ghi dữ liệu lên đĩa nhờ đó tăng tuổi thọ SSD.
Đừng sử dụng ổ SSD làm bộ nhớ ảo (virtual memory): Đây là tùy chọn hơi “nâng cao”, hãy nhờ ai đó biết về máy tính làm giúp bạn. Bộ nhớ ảo dùng như một giải pháp thay thế tạm thời khi thiếu RAM để chạy chương trình. Nếu không có khả năng nâng cấp RAM, ít nhất cũng không dùng SSD làm bộ nhớ ảo vì hành động này cũng là đọc/ghi dữ liệu trực tiếp lên SSD.
Bạn có cần dùng SSD?
Sau quá trình tìm hiểu về SSD, đã đến lúc xem xét bạn có cần SSD hay không.
Bạn muốn máy tính khởi động tức thời: Từ lúc nhấn khởi động đến lúc mở xong trình duyệt web chỉ tính bằng giây nếu dùng SSD, với HDD là theo phút.
Bạn cần truy cập tức thời vào các trò chơi và ứng dụng thường ngày: Chúng ta đã nói nhiều về việc SSD nhanh như thế nào.
Bạn muốn máy chạy yên tĩnh và tiết kiệm điện: Như đã nói, SSD không tạo ra tiếng ồn khi hoạt động và đỡ tốn năng lượng hơn.
Bạn có thể (biết) dùng kết hợp 2 ổ đĩa vật lý, một cho hệ điều hành và một cho “phần còn lại”: Trừ khi bạn chỉ lưu vài tấm ảnh gia đình, vài chục bài hát, bạn sẽ cần thêm HDD dung lượng lớn và giá rẻ gấp nhiều lần SSD.
Nếu câu trả lời là có chiếm đa số, hãy nhanh tay sở hữu công nghệ lưu trữ SSD.
(COPY)